NGHIÊN CỨU VỀ THÔNG NHÃN 2

Nghiên Cứu về Thông Nhãn  2

Xem Bài có Liên Quan

Bài gồm ba phần của ba người viết, trình bầy sự khác biệt giữa tâm linh và tinh thần, sự lẫn lộn cho rằng có khả năng tâm linh như thông nhãn, thông nhĩ là chứng tó có phát triển tinh thần.

Phần I - Spiritual and Psychic Vision
Phoebe Bendit - The Theosophist, v. 81, p. 401

Đây không là đề tài đơn giản và không có câu trả lời dễ dàng. Tôi muốn nói ngay từ đầu, do trọn cả kiếp này có kinh nghiệm và học hỏi về đề tài đặc biệt trên, là có nhiều điều tôi không biết, và càng không hiểu nhiều điều hơn nữa. Tôi chỉ biết chắc một việc, và đó là, tôi không biết.
Thông nhãn bị hiểu lầm rất nhiều cả ở đông và tây phương. Nói sát nghĩa thì đó là việc ‘thấy rõ ràng - clear seeing’, nhưng nó không có nghĩa là người ta hiểu điều mình thấy. Ta dùng ngũ quan để hiểu biết sự việc, nhưng điều ta không ý thức là ngũ quan này sai lạc ra sao. Ta luôn phạm sai lầm về điều chi cảm nhận ở cõi trần. Bạn chỉ cần dự một phiên tòa, lắng nghe lời khai của các nhân chứng một tai nạn xe hơi, và sẽ thấy cảm nhận của họ, điều họ thấy, phán đoán của họ, và  những gì khác tất cả đều khác nhau, tới mức gạn lọc chứng cớ là điều khó khăn.
Nếu việc ấy đúng ở cõi trần thì nó lại càng đúng hơn ở mặt vô hình của cuộc sống, ở cõi mà vật chất có nhiều mức độ hơn, thay đổi, biến hóa, có hình dạng, mầu sắc, kiểu thức, tính chất, đặc tính và một ngàn chuyện khác vào mỗi lúc. Vậy thì có nhiều khó khăn trong việc có được hình ảnh tâm linh đáng tin và vững vàng.
Có vài khó khăn căn bản ảnh hưởng mỗi ai có thông nhãn, từ thấp nhất đến cao nhất.
– Ta không thể mô tả hình ảnh thực của điều ta thấy bằng chữ nào khác hơn là ngôn ngữ ở cõi trần. Ta dịch những gì ta thấy thành chữ về vật mà ta biết ở cõi trần, và do vậy hình ảnh bắt buộc phải bị méo mó. Nếu ở cõi trần ta nhìn một vật mà chưa thấy bao giờ, và không có khái niệm về mục đích của nó, ta sẽ liên kết nó với vật quen thuộc gần nhất và vì thế ta dễ cho nó một giá trị sai lạc.
– Khó khăn nữa ta phải hiểu là cho mỗi người có thông nhãn, lập lại là từ thấp đến cao, phải cảm nhận và dịch ý thức của mình xuyên qua mầu sắc của hào quang mình; nghĩa là, xuyên qua những phức tạp của quan điểm cá nhân. Môi trường, văn hóa, tôn giáo, giáo dục, thiên kiến tình cảm cá nhân, khuynh hướng của tâm hồn họ, mầu sắc của hào quang trong suốt lúc đó, và không mong gì dịch điều ta thấy ngoại trừ xuyên qua hào quang. Vậy người tốt có thông nhãn cần học đôi điều về tâm lý của mình, để họ có thể ý thức điều mà khoa học gọi là sai số, và kể tới nó trong hình ảnh mà ta thấy và biểu lộ.
– Thứ ba là phẩm chất và loại thông nhãn mà một người có. Điều ấy không tùy thuộc vào kiếp sống này mà thôi. Nó là khả năng đến với ta khi tái sinh, tùy thuộc vào sự luyện tập của ta trong quá khứ và thay đổi theo loại, cùng tâm tính của người mà ta là trong kiếp này.
Nói chung thì có hai loại thông nhãn chính trong thế giới. Một loại có tính thụ động, tiêu cực, người như vậy phần lớn dùng huyệt đan điền solar plexus và hệ giao cảm như là cơ chế tiếp nhận. Họ gần như luôn luôn tùy thuộc vào những điều kiện hợp với cá tính của họ. Họ đòi hỏi một số điều kiện và nếu không có nó thì họ không thấy được. Việc làm của họ thường có tính cá nhân và họ thường thì rất nhậy cảm với bất cứ lời phê bình nào, hay ngay cả sự phân tích khách quan. Cảm xúc họ rất dễ bị tổn thương, và nhiều phần họ là nạn nhân cho chính tính mẫn cảm của mình.
Họ thường không làm chủ được thông nhãn của mình và điều này làm đời họ thành khó sống. Chúng ta không đặc biệt quan tâm đến loại công việc đó trong bài này, nhưng nó là tiên phong, là một giai đoạn dẫn tới loại thông nhãn tích cực và khách quan hơn.
Trong TTH điều mà chúng ta nên tìm kiếm là việc làm chủ đời sống cá nhân, sự phát triển con người bên trong, để có thể nhìn cuộc sống như nó thực sự là. Nói về thông nhãn thì điều này dẫn tới một loại công việc khác hẳn.
– Loại đầu tiên rất thường khi tùy thuộc vào việc bỏ rơi óc kiểm duyệt của cái trí thức tỉnh, trong sáng, mà rơi trở lại vào trạng thái mơ màng nửa mê nửa tỉnh, không hoàn toàn ở trong hay ở ngoài thế giới này. Điều ấy thỉnh thoảng sinh ra việc xuất hồn phần nào.
– Loại người khác có thông nhãn dùng một cơ chế khác hẳn, là hệ não tủy với tuyến não thùy pituitary và luân xa đỉnh đầu.
– Loại ba là thông nhãn cao hơn, dùng cách truyền trực tiếp vào huyệt trong hào quang rồi đi tới não bộ. Những người này, nếu họ làm chủ khả năng và đem nó vào đời sống hằng ngày, nói chung không đòi hỏi có điều kiện đặc biệt. Nhiều việc làm của họ có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, miễn không ồn ào quá hay có nhiều chuyển động. Họ dùng thông nhãn lúc có tỉnh thức hoàn toàn.
Thông nhãn của loại người thứ nhất gây nhiều hoang mang. Thường khi họ quả thật có thông nhãn, nhưng họ khó mà nhận thức là thông nhãn thực sự trộn lẫn với trực giác, viễn cảm (còn gọi là thần giao cách cảm), và những loại cảm nhận tâm linh khác, và khó mà phân biệt chúng với nhau. Họ thấy mà không luôn luôn biết điều mình thấy là gì, và làm sao họ thấy được. Họ không biết ngay tức thì sự khác biệt giữa một người đã chết, hay là người trên trần mà đang ngủ, xuất ra ngoài xác thân, hay bị thuốc mê và mê man, hay một người xuất thần, hay một hình tư tưởng. Mà những tình trạng này rất khác nhau, có một chuyện mô tả sự khác biệt này như sau:
Một người bạn của tôi tới gặp bà có thông nhãn để nhờ xem, bà mô tả rất đúng và nhiều chi tiết về hai người, và hỏi là cô có quen biết họ chăng. Cô nói có biết, nhưng hỏi bà có chắc là hai người này đã ‘chết’. Bà có thông nhãn đoan chắc là vậy, và họ đã chờ rất lâu để mang tin đến cho cô, bà nói cho cô hay. Giống như thường lệ, các tin này chẳng có gì quan trọng. Chuyện quan trọng các mô tả này hoàn toàn chính xác, với một là hình ảnh đích thực của người đàn ông ngồi bên trái cô trong buổi tiệc đêm trước và đang sống mạnh; hình kia cũng thật rõ ràng y vậy, cả về tâm tính và loại người, của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết mới của cô đang viết nửa chừng. Cả hai đều không là người ‘chết’ chút nào.
Nhìn thông nhãn theo quan điểm Theosophy, câu hỏi nêu ra là làm sao người ta có thể áp dụng thông nhãn vào thực tế nếu được tập đầy đủ và làm chủ nó. Có nhiều cách để làm thông nhãn hữu dụng. Về mặt giáo dục nếu ta có đông người được huấn luyện mà có nhận thức nhậy cảm (có nhiều loại cảm nhận khác ngoài thông nhãn), lắm vấn đề khó khăn của trẻ em có thể hoặc được tránh hẳn, hoặc được giải quyết một cách tích cực và thông minh.
Vào lúc này có người tái sinh mau lẹ. Trẻ con trở lại trần với trí tuệ và tình cảm chín chắn và mạnh mẽ, và những điều này quá mạnh cho thân xác yếu ớt. Do đó sinh ra những vấn đề mà đường lối nhậy cảm hơn có thể giải quyết chúng. Hơn nữa, cảm nhận tâm linh giúp ta phân biệt giữa trẻ nhỏ thiếu phát triển trí não, với người có tiềm năng bị rối loạn tâm thần, và người sơ khai, bị xem là khiếm khuyết chỉ vì được sinh ra trong một thế giới văn minh. Ngành giáo dục có thể là nơi có ứng dụng tốt đẹp cho khả năng đặc biệt này.
Một ứng dụng khác là cho y khoa và giải phẫu. Người có thông nhãn mà được huấn luyện đã được dùng để tránh việc có giải phẫu không cần thiết, làm bớt đi những kinh khiếp do việc giải phẫu sống thú vật sinh ra, theo dõi các vấn đề y khoa khó hiểu, giúp các chuyên gia y khoa quyết định là bệnh có nguyên nhân thể chất hay tâm lý, v.v. Đi vào chi tiết hơn thì khả năng này còn được ứng dụng vào việc đo nhịp tim, quan sát dòng máu, tuyến bạch huyết, cấu trúc của xương sống, đường nét của bất cứ cơ quan nào, tìm xem có sạn trong thận hay túi mật v.v.
Kế đó là ứng dụng trong nghệ thuật, khi nghệ sĩ không thể biểu lộ cái nhìn của mình vì bị hoang mang với chính họ. Tôi có thể nói một cách chắc chắn là chưa hề gặp ai có khả năng tâm linh đáng nói mà không có khuynh hướng nghệ thuật, và tôi cũng không gặp một nghệ sĩ hạng khá nào mà không có chút khả năng tâm linh. Nhưng họ bị rối trí, vì sự trong sáng của khái niệm mà họ tìm cách thể hiện trong tác phẩm của mình, bị lạc mất trong khối tâm lý bao quanh nó.
Nếu ta có thể giải thích cho họ, sự khác biệt giữa hình ảnh thực sự mà họ thấy và ký ức tình cảm và trí tuệ của họ, chuyện sẽ giúp họ phân tích ra điều chi thuộc về hứng khởi cá nhân, và điều chi thuần là sản phẩm của cái trí của mình. Người nghệ sĩ chân chính, do tính nhậy cảm của họ, thường nhanh chóng nắm được những điều này, và cũng là một trong những người mau lẹ nhất sử dụng chúng, và thay đổi cách làm việc của mình.
Cảm nhận chân thực và sâu đậm cũng có giá trị đáng kể trong sự hiểu biết thông thường về đời sống. Chúng ta đều biết các mối hận thù, khó khăn, mà tôn giáo, chính trị và nhiều điều khác sinh ra. Nếu ta có thể đặt tâm thức mình vào người khác và nhìn vào những khó khăn, ý tưởng và sự thể hiện của họ về chúng, ta sẽ có thể tìm được một điểm chung nào đó mà cả hai có thể gâp gỡ và sinh ra kết hợp, thay vì xung đột. Điều này vô cùng cần thiết, nhất là trong đời sống tôn giáo ở phương Tây.
Mặc dù vậy, ta chớ hề lẫn lộn thông nhãn này với linh ảnh tinh thần. Không một loại thông nhãn nào có thể cho ra linh ảnh tinh thần rõ ràng, nhưng linh ảnh tinh thần và hiểu biết nếu được luyện về hướng ấy, sẽ dẫn đến thông nhãn chân thực và chính xác. Người có thông nhãn mà được luyện tập, sẽ dùng trí huệ Bồ đề qua Thương trí để phản ảnh xuống một hạ trí vững vàng mà họ đã làm chủ. Nhưng dù thông nhãn chân thực có nét tinh thần phần nào, nó không thuần khiết là vậy và ta chớ bao giờ cho nó là thế. Linh ảnh tinh thần là một điều khác hẳn. Nó không thể được truyền đạt bằng hình ảnh biểu tượng, cũng như nó không thể được truyền đạt bằng bất cứ hình thức nào của chữ nghĩa.
Bạn không thể đến gặp và nói với tôi về điều ấy, và tôi không thể đến gặp và nói với bạn về nó, vì nếu bạn có thể truyền đạt nó bằng lời thì đó không phải là linh ảnh tinh thần. Lời truyền đạt có thể gần giống, nhưng nó không phải là điều thuần túy, điều chỉ có thể truyền đạt bằng hình thức là sự truyền giao và tiếp nhận không lời. (Đây là ý của chuyện ‘Niêm hoa vi tiếu’, đức Phật đưa cành hoa sen ra trước tăng chúng. Không ai hiểu ý ngài mà chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Việc trao ý và việc nhận đều diễn ra lặng lẽ, tức Tâm truyền Tâm. Ý này cũng có ghi trong Đạo Đức kinh ‘Đạo khả Đạo phi thường Đạo’, tạm dịch là Đạo mà có thể tả được thì không phải là Đạo).
Khi có việc ấy, bạn biết và tôi biết rằng chúng ta có cùng kinh nghiệm, ta hòa hợp, ta cùng nhau trong đó. Có một sự toàn vẹn, không có tranh luận ở bất cứ mức độ nào. Hơn thế nữa linh ảnh tinh thần làm thay đổi con người, và sau đó ta không thể nào là y như trước. Nhưng ngay cả hình thức cao nhất của thông nhãn không nhất thiết biến cải được người có thông nhãn. Họ vẫn có thể đầy cái ngã, khờ dại, ngu dốt, và tự cao tự đại như hồi nào đến giờ. Vì thông nhãn không đi kèm với nhận thức tinh thần sâu xa về chính mình cũng như người khác, là thuộc về phàm ngã, nó sẽ có khuynh hướng làm cái tôi ấy thấy càng quan trọng hơn nữa, vì họ cảm thấy mình tài giỏi hơn người bình thường chung quanh, ‘mù’ vì không có khả năng ấy như họ.
Linh ảnh tinh thần luôn luôn kết hợp. Nó không bao giờ chia rẽ. Người có tâm hồn đơn sơ nhất đôi khi cảm nhận được nó. Người như vậy hiểu rằng bùn dưới chân mình, các vì sao trên những tầng trời, mối liên hệ với người mà họ thương yêu, với thú vật, bông hoa, ngay cả với điều xấu xí, bụi dơ, sự cực nhọc trong đời, tất cả đều là một. Chúng là một phần trong sự hợp nhất của thế giới bên dưới khi nhìn từ bên trên.
Và do vậy chúng ta có một hình ảnh hoàn toàn khác biệt với ý thường nói về thông nhãn. Nó khiến ai học hỏi Theosophy phải nhận thức điều ấy, và không tìm cách phát triển các khả năng gọi chung là siddhis. Trước sau khả năng siêu nhiên sẽ tự đến cho ai trên đường Đạo, người thật lòng đi tìm sự hòa hợp của phàm ngã. Chúng sẽ đến cùng với việc luyện tập hạ trí, việc phàm ngã đi vào cõi của Chân ngã, và khi cả hai thành kết hợp với nhau. Ta chớ nên bận trí về việc phát triển những quyền năng siêu nhiên, vì vào lúc này hay lúc khác đó là chuyện không tránh được. Chúng xẩy ra theo mức tiến bộ về hiểu biết và cảm nhận ngày càng lớn mạnh của ta.
Có một nhu cầu to lớn ở cả phương Đông và Tây. Ấy là ta cần nhận thức bản chất tinh thần của con người, rằng ta là một hồn phát sinh từ trí Thượng Đế, mang theo với mình những tính chất độc đáo. Ấy là điều quan trọng và là nơi mà ta như là hội viên của hội Theosophy nên đứng ngày hôm nay, vì sự nguy hiểm cho thế giới không nằm trong tiến bộ của những khía cạnh bên ngoài có tính vật chất. Những điều này có thể có nguy hiểm của chúng, nhưng điều nguy hiểm lớn lao không nằm trong những gì ảnh hưởng đời người ở mức thấp, mà nằm ở việc mất đi cái nhìn về phẩm cách con người như là linh hồn trong xác thân.
Nhận thức ấy là điều duy nhất mà rốt hết sẽ biến chiến tranh thành hòa bình. Nó là điều duy nhất sẽ cho ta hiểu biết về người khác, các mục đích, giống dân khác, và tất cả những gì khác mà chỉ nhờ thế mới mang lại được hòa bình và hạnh phúc cho thế giới rối ren này.

Phần II
Spirituality and Psychism
The American Theosophist, v. 64, Feb. 1976, p. 27
Tiến sĩ Laurence Bendit là chồng bà Bendit, tác giả bài cùng bác sĩ Harry van Gelder (xem phần III).

Nếu tôi là nhân viên của Hội TTH và có ai tới nói muốn học thuật huyền bí occult arts, câu trả lời đầu tiên của tôi sẽ là Hội có mặt không phải để chỉ dạy người ta làm những trò tâm linh, mà hướng con người đến việc đi tìm chân lý cho chính mình. Các thuật huyền bí và việc thực hành chúng không phải là đường trực tiếp đến chân lý mà muốn làm vậy, người ta phải làm chuyện rất khác biệt.
Trong bài này ta chỉ giới hạn vào thông nhãn nên với ai hỏi như trên, ta có thể đi sâu thêm và hỏi:
–  Bạn muốn học để biết cách nhìn sâu hơn vào cuộc sống, mà bạn muốn nhìn thấy điều chi ? Bạn có thể chỉ muốn thấy các hình ảnh mà không hiểu chúng là gì, hay bạn thực tâm muốn học để hiểu sự thực về chúng ?
Nếu ai muốn làm vậy, chuyện đầu tiên phải làm là học để biết đủ về mình, và nhận biết rằng những định kiến, thiên kiến có sẵn trong trí ta sẽ ngăn cản không cho nhìn ra sự thật.
Chuyện rất quan trọng ngay ở phút đầu, là vạch rõ sai lầm của ý nghĩ rằng thông nhãn có liên quan đến nét tinh thần. Ta phải chỉ ngay rằng trên thực tế, trong đa số trường hợp thông nhãn chỉ là sự nối dài của nhãn quan cõi trần, và một người có thể rất cao về mặt tinh thần mà không có thông nhãn hay thông nhĩ, hay bất cứ khả năng tâm linh nào. Bạn không nên để mình bị mê hoặc bởi sự kiện rằng ông A hay bà B có thông nhãn, và khuynh hướng hay thấy nơi đa số cho rằng người có thông nhãn thấy gì, nói gì là phải đúng.
Người ta hay nói với nhà tôi Phoebe:
–  Ô, bà có thông nhãn vậy là bà biết.
Một thẩm phán rất uyên bác ở tòa Tối Cao của Anh ngày nọ hỏi cô một câu kỳ quặc, và khi nhà tôi trả lời là không biết, ông nói:
– Chà, sao bà không hỏi vong linh hướng dẫn bà - guide ?
và ông kinh ngạc, thấy lạ lùng khi Phoebe nói cô không có vong linh hướng dẫn nào. Đây là loại ngây thơ - nếu không muốn nói là ngu ngốc - mà tôi nghĩ nên làm minh bạch trong trí não mọi người, cái ý cho rằng hễ ai có thông nhãn là có thể tự động cho ta câu trả lời đúng thật về bất cứ việc chi.
Tôi nghĩ điều mà phong trào TTH thất bại nhiều nhất là làm như nó không hề dạy người ta việc tự xét mình có tính xây dựng, giá trị của việc xét mình để khám phá chính mình… Tôi biết người ta tránh cái ý về việc tự xét mình này, nghĩ rằng ‘Nếu bắt đầu nhìn vào chính mình thì nó sẽ làm tôi thành vị kỷ’. Tôi nghĩ ta cần làm thật rõ ràng là chuyện không phải như vậy, mà điều nó sẽ làm là cho thấy ta đã vị kỷ ra sao rồi, thiên lệch như thế nào rồi, và cái ngã sẽ chi phối ta ra sao. Nó muốn cái này và không thích cái kia, vì vậy nó sẽ chấp nhận cái này và bác bỏ cái kia.
Tôi thấy như ta đang trên đường tới sự khám phá thực tại của sự vật bằng cách loại bỏ cái tôi, loại bỏ sự chộn rộn, làm méo mó của cái trí, và khi ấy ta không cần phải đi tìm sự thật, vì nó có đó. Vấn đề là ta tự đeo miếng che hai bên mắt như ngựa và không thấy được nó. Đây là huyền bí học chân chính và hơn hẳn một bậc cái thường gọi là ‘huyền thuật’.
(Bởi vợ tôi có thông nhãn nên nói ví von thì…) Tôi sống cạnh thông nhãn nhiều năm, và có đủ cơ hội để thấy rằng có sự khác biệt hẳn giữa huyền bí học - là khoa học ở một nấc cao hơn - so với thuật tâm linh, hay có sự khác biệt giữa các thuật sĩ - magician và phù thủy ở Tây Tạng, với các vị Lama theo đuổi chuyện tinh thần và không quan tâm đến việc có thể làm những trò tâm linh, mà chú tâm đến việc tìm kiếm sự giác ngộ, thực tại.
Ta càng có thể làm người ta hiểu rõ ràng sự khác biệt giữa bất cứ cái gì về bản chất của huyền thuật - occult arts, với kết quả của huyền bí học - huyền học chân thực (occultism - mysticism) thì càng tốt. Huyền bí học - huyền học nên có gạch nối vì tới một mức nào đó, ta sẽ thấy rằng điều mà ta gọi là huyền bí học - huyền học thì không phải là hai mà là một, và không ai có thể là một nhà huyền học mystic mà không phải cũng là huyền bí gia, cũng như họ không thể là huyền bí gia mà không phải là nhà huyền học.
… Điều mà con người cần là khám phá chính mình; chuyện ta phải làm một cách xây dựng, chuyện mà cả ngàn thanh niên hiện nay tìm kiếm, là giúp người ta tìm những cách cho phép họ khám phá chính mình. Ấy là tại sao một số người dùng ma túy - không phải là để quên đời, mà vì họ muốn biết nhiều hơn. Làm sao cho họ có thể biết cái ‘hơn’ ấy bằng các phương pháp lành mạnh, tích cực và không bằng điều chi giả mạo, hay bằng những cách nguy hại ?
Nó thực ra tùy thuộc vào mỗi người muốn gì. Họ muốn có sự thật với bất cứ giá nào, hay chỉ muốn dùng ma túy để có kích thích. Nếu muốn có kích thích thì hội Theosophy không có gì để đưa ra cả. Còn nếu họ muốn có chân lý thì hội nên có nhiều để đưa ra. Nếu muốn có kích thích thì họ dễ dàng được vậy mà không cần ma túy nào, còn nếu muốn chân lý, họ sẽ nhận ra các nguy hiểm và giả mạo của những gì họ sẽ tìm thấy qua những phương pháp nhân tạo như ma túy, thôi miên, thuật tâm linh v.v.
Nếu ai thành tâm tìm kiếm, đặc biệt là như nhiều người trẻ ngày nay, ta nên có thể có điều chi tích cực đưa ra cho họ, không phải theo nghĩa giáo điều, mà như là gợi ý về làm sao trở thành người TTH chân thực - không phải chỉ là hội viên của hội - mà là người TTH trong tâm.

Phần III
Ông Harry van Gelder là y sĩ, em trai của bà Dora van Gelder (Dora Kunz) và cũng có thông nhãn.

Nói về khả năng tâm linh, ta cần phân biệt giữa con người tinh thần và con người tâm linh theo Theosophy. Ta được dạy rằng con người tinh thần là Chân nhân gồm thể thượng trí, bồ đề tâm và atma, và con người tâm linh psyche là phàm nhân gồm bốn thể: xác, thể sinh lực, thể tình cảm và hạ trí . Vậy khả năng tâm linh là khả năng của phàm nhân thuộc bốn chiều đo. Đa số người không nhận biết điều này, và ngộ nhận thông thường tin rằng điều chi không phải là vật chất cõi phàm thì là tinh thần.
Không gì có thể sai lạc hơn thế. Tâm linh cũng là vật chất như bốn thể thấp của phàm nhân. Nó liên hệ với cái ngã, với sự đồng hóa của ta với thế giới này, và việc làm của ta trong thế giới ba và bốn chiều đo. Nó gồm tình cảm và tư tưởng; những điều này không tinh thần chút nào cả mà thuần túy thuộc bên ngoài. Do đó việc phát triển các khả năng tâm linh, như thông nhãn hay thông nhĩ, không có nghĩa là phát triển tinh thần chi hết.
Thực tế là trong một số trường hợp việc phát triển thuộc loại này mà không có phát triển tinh thần đi kèm, hay ít nhất có ý thức về mặt tinh thần, có thể dẫn đến tai họa thật đáng kể. Thêm vào đó nó còn có thể khiến nạn nhân bị huyễn tưởng chi phối, và có ảo giác mà họ tưởng là thật. Chúng là ảo ảnh bất kể mặt tinh thần của ta ra sao, và khi xuống tới ba chiều đo là mức của chúng ta, kinh nghiệm sẽ bị phàm nhân làm biến dạng.
Tất cả những tiềm năng của phàm nhân chưa được phát triển hết - mà chỉ mới có một phần. Phần còn lại chưa được vậy, thế nên nó như một biển cả, một cái gương là biển, với các đợt sóng tình cảm với trí tuệ làm cong quẹo mặt biển, và như vậy đổi dạng hình ảnh của điều thật. Bởi thế bất cứ điều chi liên quan đến phàm nhân phải bị méo mó và ta cần ý thức chuyện ấy. Theosophy dạy về chân lý, thực tại, vậy làm sao mục đích này của Theosophy lại liên kết với việc phát triển phàm nhân như chỉ là phàm nhân, mà không phải như là vật tinh thần, như là một thực tại ?
Làm vậy là nhấn mạnh thêm và tăng sự quan trọng cho phàm nhân, hơn là nó đáng được vậy, nói khác đi làm sống mãi thêm cái thuyết nói là con người có khuynh hướng đồng hóa với tên, các thể, với hình ảnh của mình. Nó như bạn có thể nói ‘Tôi là ngón tay cái của tôi’. Ngón tay cái là một phần của bạn nhưng nó không phải là bạn. Cũng y thế phàm nhân không phải là bạn, nó chỉ là một vận cụ qua đó bạn phải học cách biểu lộ chính mình.
Thế thì làm sao việc phát triển những khả năng tâm linh của phàm nhân, điều dẫn đến chủ nghĩa cái tôi, giúp gì cho sự phát triển tinh thần của con người ? Hiển nhiên là nó không làm được thế. Và còn có những nguy hiểm của ào giác và huyễn tưởng dẫn đến sự bẻ cong, đến tin tưởng rằng điều bạn thấy, nghe v.v. là sự thật. Nào, nó không phải vậy đâu. Ta không thể thấy và cảm biết sự thật trừ phi mỗi phần của con người được hòa hợp. Ấy là trọn mục đích của cuộc sống: sự phát triển tinh thần của con người, có nghĩa ta phải đồng hóa mình không phải với phàm nhân, mà với tinh thần và điều thật, mà không phải chỉ thuần là một hình ảnh, một ảo ảnh, và cái chỉ kéo dài một khoảng thời gian rồi mất.
Người phát triển khả năng tâm linh sẽ nghĩ về mình như là phàm nhân, là nhân vật thiêng liêng  hay không chừng là tinh thần. Nếu họ vẫn còn trụ trong cái ngã, trong phàm nhân thì việc gì sẽ xẩy ra ? Họ sẽ có khuynh hướng dùng những khả năng tâm linh này cho mục đích riêng của mình như là phàm nhân. Và bởi họ chưa phải là người đã phát triển hoàn toàn, điều này có thể đưa tới nhiều việc làm sai lạc mà cuối cùng họ phải trả. Không có cách nào thoát ra được.
Theo kinh nghiệm của tôi, hội TTH không nên khuyến khích việc phát triển khả năng thuần túy về tâm linh, mà trước nên nên khuyến khích có hiểu biết về con người như là một tổng thể. Tới cuối nó sẽ dẫn đến sự phát triển có giá trị nhiều hơn, là sự phát triển tinh thần và phát triển tâm linh tương ứng, vì nay nó là một phần của tinh thần. Nếu bạn đồng hóa với phàm nhân của mình thì phần này thành phần chế ngự. Nếu đồng hóa với điều mà bạn không biết nhưng là phần tinh thần như ‘I Am’ hay Atma, thì trọn kinh nghiệm khác hẳn. Hội Theosophy cần nhấn mạnh điều này và nêu lên sự thật về các khả năng tâm linh. Việc có thông nhãn không hề muốn nói đó là người có phát triển tinh thần, cũng như điều mà họ thấy và kinh nghiệm thì không nhất thiết là sự thật.
Nếu tôi có thị giác tốt hơn người khác, nó không có nghĩa tôi là người tốt lành hơn ai không có thị giác tốt bằng. Ấy là chuyện vô lý sinh ra do những sách mà người viết không biết thực tại về nó. Đọc Mahatma Letters (Thư Gửi Ông Sinnettt đăng trên PST) thì người ta sẽ thấy rất nhiều chỉ dạy về chuyện này. Sách The Secret Doctrine hay Isis Unveiled sẽ cho bạn thấy rõ ràng vấn đề ra sao. Vì vậy theo tôi, hội Theosophy không nên khuyến khích việc phát triển các khả năng tâm linh như vậy, mà có lẽ chỉ như là một phần trong trọn sự phát triển con người. Ấy là điều quan trọng.
Sự phát triển tinh thần, chữ không đúng hẳn cho lắm, có nghĩa sự mở mang phàm nhân tới phần tinh thần của chúng ta, cái không là phàm ngã, và đồng hóa ta với nó để ta hiểu trọn vẹn, rằng ta ở cõi trần nơi đây là để thể hiện phần tinh thần; rằng ta - như là phàm nhân - chỉ là vận cụ để biểu lộ điều chi nằm đằng sau cái thực tại ở cõi trần. Đây là trọn mục đích của sự sống, về một nghĩa là tự ý thức.
Ta hãy chỉ mọi người việc tham thiền - không phải là tập trung tư tưởng vào một ý tưởng, mà là thực sự đồng hóa với điều không biết này mà ta biết là - is, và bằng tình thương và sự hiểu biết, mở con người của ta ra với nó. Tham thiền dẫn tới kinh nghiệm và kinh nghiệm này đưa tới lòng hiến dâng. Và rồi thực tại trở thành một loại kinh nghiệm, một kinh nghiệm không giải thích được và ta không thể mô tả theo bất cứ cách nào, mà nó chỉ là - is. Một khi ta kinh nghiệm nó rồi thì tất cả những gì còn lại thì không quan trọng.
Việc tiếp tục mở phàm nhân ra với Chân nhân, với trọn sự sống, là ý chính của Theosophy. Nếu do những phát triển từ nhiều kiếp trước mà ta có được một loại thông nhãn nào đó, ta biết trước điều gì thấy được, cảm biết được, thì đó không là sự thật mà chỉ là một bức ảnh, hình tượng của nó. Ấy là điều quan trọng. Người ta nên được cho biết về sự khác biệt giữa tâm linh và khả năng tâm linh, với thực tại và trọn sự việc gồm phàm nhân và Chân nhân. Yếu tố quan trọng nhất cần chú ý bên trong hội Theosophy là thanh niên. Nếu họ muốn đi đường tắt thì cứ để họ đi. Nó không quan trọng, nhưng họ phải được cho biết làm vậy có nghĩ gì.
Mỗi hội viên nên biết điều này, là chớ trọng vọng ai có thông nhãn, hay nghĩ rằng kẻ như vậy nhất thiết có phát triển tinh thần. Ấy là điều quan trọng. Mục tiêu của hội Theosophy là chỉ dạy cho người ta hiểu về chính mình như là một tổng thể - whole mà không phải là những phần riêng rẽ. Lương tri và lý trí là hai điểm quan trọng nhất ở đây. Ta hãy chỉ dạy thanh niên biết tự suy nghĩ. Ta hãy chỉ dạy tất cả mọi người hiểu họ như là các tổng thể và nhấn mạnh các điểm này: ý thức về mình, hiểu mình làm gì, và biết mình là ai.